Một số đặc điểm của Nam Kỳ Cộng_hòa_Tự_trị_Nam_Kỳ

Nam Kỳ là vùng đất mới được khai hoang có những đặc điểm lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị, luật pháp. văn hoá, tâm lý học, phong tục, tập quán... khác với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ là thuộc địa do người Pháp trực tiếp cai trị với một hệ thống luật pháp khác hệ thống được áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Tại Nam Kỳ không tồn tại bộ máy hành chính của Triều đình Huế như ở Bắc và Trung Kỳ.

Về mặt kinh tế, Nam Kỳ hình thành một tầng lớp đại địa chủ người Việt giàu lên nhờ chính sách khai hoang của chính quyền thuộc địa, nhiều người trong tầng lớp này mang quốc tịch Pháp. Vào năm 1939, tại Việt Nam có 6800 đại điền chủ, trong đó Nam Kỳ chiếm 6300 người[1]. Thương mại tại Nam Kỳ đặc biệt là ngoại thương (xuất khẩu nông sản) khá phát triển. Do điều kiện thích hợp cho nông nghiệp (khí hậu, đất đai, tưới tiêu đều thuận lợi) nên mức sống tại Nam Kỳ cao hơn các miền khác. Phạm Quỳnh nhận xét "làm dân Nam Kỳ sướng thật, cầy cấy ít ruộng vườn cũng thừa đủ nuôi thân, không phải khó nhọc, suốt năm vô lo vô lự, nhàn hạ dong chơi, lụt không có, hạn không có, mưa rầm gió bấc cũng không, tiền công trong làng đã nhiều, bổ bán đóng góp không phải chịu, pháp luật Nhà nước đã nghiêm, đàn anh bắt nạt cũng khó lòng, ưu du tuế nguyệt, suốt năm như một ngày, anh áo cánh trắng bong, quần thâm lĩnh bóng, chị kiềng vàng đeo cổ, ô soạn cầm tay; còn cảnh tượng gì vui thú bằng!... Thiết tưởng suốt nước Nam, từ Nam chí Bắc, không có hạng người nào sướng bằng bọn điền chủ lớn ở Nam Kỳ. Giàu hàng ức triệu, sa sỉ thật vô song, cửa nhà như cung điện, trang sức không ai bằng, mà người thường mộc mạc, lo nghĩ chẳng bận lòng; cứ vật chất thượng, thử hỏi trần gian còn gì khoái lạc bằng! Xét về phương diện ấy, đất Nam Kỳ thật là nơi quý địa của cái "vật chất chủ nghĩa" vậy"[2].

Nam Kỳ có nền báo chí hình thành sớm nhất tại Việt Nam và phát triển tương đối tự do vì người Pháp áp dụng quy chế thuộc địa chứ không phải quy chế bảo hộ như tại Bắc và Trung Kỳ. Hơn nữa Nam Kỳ còn có một tầng lớp trí thức Tây học, nhiều người trong số này từng du học tại Pháp hoặc có quốc tịch Pháp[3]. Chữ quốc ngữ khá thông dụng ở Nam Kỳ, có những phụ nữ và trẻ em cũng biết đọc[4]. Dân Nam Kỳ ham đọc sách và có tiền mua sách trong khi đó Phạm Quỳnh nhận xét "dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, trăm người chưa được một người đọc thông chữ quốc ngữ, mười người đọc thông chữ quốc ngữ chưa được một người thích xem văn quốc ngữ, lại thêm dân nghèo, bỏ ra mấy đồng bạc mua báo một năm đã lấy làm một món tiền nặng; đến những bậc sĩ phu thì phần nhiều những quẩn quanh trong vòng danh lợi mà sao nhãng những việc văn chương; nghề làm báo làm sách thật không được đủ điều tiện lợi như Nam Kỳ"[4].

Chính vì thế mức độ Âu hoá về kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, luật pháp, tập quán, lối sống... ở Nam Kỳ khá cao. Ngoài ra còn phải kể đến những khác biệt do điều kiện địa lý, đặc điểm dân cư, cấu trúc xã hội và lịch sử chia cắt nhiều thế kỷ với miền Bắc (Trịnh-Nguyễn phân tranh) tạo ra. Tác giả Nguyễn Văn Trung nhận xét "Ở miền Bắc, vùng đất cũ, làng xã khá chặt chẽ, con người đã gắn chặt với nền văn minh đó nên rất khó thay đổi được nền văn minh này bằng nền văn minh Pháp. Không thay đổi được thì phải tôn trọng nó và lợi dụng sự tôn trọng đó về mặt chánh trị. Đó là ý nghĩa của chánh sách bảo hộ. Trái lại, miền Nam là vùng đất mới, những người lưu dân đến cư ngụ không còn giữ được những truyền thống xưa cũ một cách chặt chẽ, họ lại là người tứ chiếng (Việt trà trộn với Miên-Tàu), do đó có thể tác động vào những cấu trúc văn hóa lỏng lẻo này để thay thế chúng bằng văn hóa Pháp. Đó là cơ sở của chánh sách đồng hóa và thuộc địa được áp dụng ở Nam Kỳ"[5]. Tất cả tạo nên một tâm lý phổ biến trong dân cư Nam Kỳ coi các vùng miền khác là những xứ sở xa lạ. Tâm lý này có thể được một số chính trị gia khai thác vì mục đích chính trị.

Trước năm 1945, ở Nam Kỳ đã có những cá nhân và tổ chức vận động, tuyên truyền đòi người Pháp mở rộng quyền tự trị cho người Việt như Đảng Lập hiến Đông Dương[6]. Các cuộc vận động này do tầng lớp trung lưu và thượng lưu chủ xướng. Sau năm 1945, ý tưởng chính trị này vẫn còn tồn tại[7].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cộng_hòa_Tự_trị_Nam_Kỳ http://vietnam.ca/vi/lich-su-van-hoa/115-quoc-ky-v... http://www.daivietquocdandang.com/hoikyvechienkhua... http://www.truclamyentu.info/tlls_lichsuvietnamcan... http://www.tinparis.net/vanhoa/vh_9nambai6tovu.htm... http://www.hoahao.org/D_1-2_2-188_4-2483_5-3_6-1_1... http://www.baodanang.vn/channel/5434/200907/nhan-5... http://books.google.com.vn/books?id=7TDDTJf48-YC&p... http://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1363-nh... http://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1369-nh... http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d...